Bóng chuyền nữ Long An có Lê Thị Bích Liên
danh bong chuyen bang ghe
Sinh ngày 29/10/1972, từ năm 14 tuổi, Bích Liên đã được HLV Lương Khương Thượng xuống tận Thủ Thừa để thuyết phục gia đình cho cô theo bóng chuyền. Ngay từ những năm 1980, khi các hoạt động TDTT nữ ở Việt Nam chưa phổ biến, ngành TDTT Long An đã đầu tư một đội bóng chuyền nữ với những cái tên như: Nguyễn Thị Hộ, Ngô Thị Vàng, Nguyễn Thị Hoa, Nguyễn Thị Thúy, Huỳnh Kim Anh Thư, Nguyễn Thị Kim Thoa, Trịnh Thu Dung và đặc biệt là cây chuyền hai Lê Thị Bích Liên với chiều cao lên tới 1m77… Đội bóng của Bích Liên khi đó khiến nhiều đối thủ phải khiếp sợ mỗi lần nghe đến tên Dệt Long An. Đội bóng miền Tây liên tiếp nằm trong top 3 đội dẫn đầu, 3 lần vô địch quốc gia và bản thân Liên cũng ba lần cùng đội tuyển VN tham dự SEA Games 1993, 1995 và 1997.
Chia tay sự nghiệp bóng chuyền, Bích Liên theo chồng (cũng là VĐV chuyền hai của đội nam Long An) ra Vũng Tàu lập nghiệp. Cuộc sống gia đình cô cũng khá đầy đủ nhờ ông xã chơi bóng cho đội Công An Vũng Tàu, rồi sau đó chuyển sang làm quản lý thị trường. Năm 2006, sau khi quay trở lại huấn luyện cho BĐLA, việc làm đầu tiên của HLV Lương Khương Thượng là tìm cho được Bích Liên để tăng cường cho vị trí chuyền hai.
bong chuyen dinh cao
Lê Thị Bích Liên (số 3) cùng các đồng đội Dệt Long An.
Dù khi đó đã ở tuổi 34, cũng vừa mới sinh em bé chưa được bao lâu, nhưng trước cái tình của người thầy ruột, Bích Liên đã xin phép chồng và gửi con cho bà ngoại ở Thủ Thừa chăm sóc để “xách ba lô lên đường làm nhiệm vụ”. Nhớ con, chị dồn vào tập luyện cùng các đồng đội VTV Bình Điền Long An để khuây khỏa nỗi buồn. Và cùng với các đàn em như Ánh Hoa, Ngọc Hoa, Diệu Châu, Thu Phương, ở độ tuổi 35 Bích Liên vẫn là nhân tố rất quan trọng để giúp BĐLA vô địch cúp VTV Bình Điền và chỉ chịu thua Vital Thái Bình với tỉ số 2-3 trong trận chung kết Cúp VĐQG 2007 khi đối thủ có sự nổi trội của chủ công người Thái Lan.
“Sau khi hết hợp đồng với BĐLA, tôi sẽ nghỉ thi đấu để dồn sức lo cho gia đình. Thật lòng mà nói, nếu không phải là thầy Thượng làm HLV, chắc tôi đã không có động lực chiến đấu đến vậy. Chính thầy đã cho tôi có được cuộc sống như ngày nay. Do đó, dốc hết sức đóng góp một năm nữa cũng là cách tôi đóng góp cho quê hương Long An và trả nghĩa cho thầy”. Bích Liên nén nỗi buồn sau trận chung kết khi đó chia sẻ.
Chia tay VTV Bình Điền Long An, trở lại Vũng Tàu với gia đình, tình yêu bóng chuyền vẫn thôi thúc Bích Liên phải làm một công việc gì đó liên quan đến trái bóng. Và lần này, cô không đóng vai trò là một VĐV mà với cương vị là một HLV tuyến năng khiếu của đội bóng chuyền Vietsov Petro. Thế nhưng, ngày vui ngắn chẳng tày gang khi đội bóng ngành Dầu khí vì một số nguyên nhân đã dẫn đến giải thể. Vậy là một lần nữa cây chuyền hai lừng danh ngày nào của bóng chuyền nữ Long An lại lui về hậu phương làm công việc vun vén cho gia đình.
Hiện tại, ngoài thời gian chăm sóc chồng và hai con nhỏ, Bích Liên còn là bà chủ của đại lí gạo tại thành phố Vũng Tàu. Khi được hỏi về công việc kinh doanh, Bích Liên hồ hởi cho biết: “Đây là loại gạo ngon nhất mà chị phải cất công về tận Long An mới có được. Làm kinh doanh một phần để có thêm thu nhập, một phần cho đỡ buồn những lúc rảnh rỗi, nhưng quan trọng nhất là mình giới thiệu được đặc sản của quê hương mình với mọi người nơi đây.”
lich thi dau bong chuyen
Lứa VĐV của Lê Thị Bích Liên sau khi giải nghệ giờ mỗi người đã có một cuộc sống riêng. Nhưng hiện tại chỉ còn hai người tiếp tục gắn bó với bóng chuyền là Ngô Thị Vàng hiện làm công tác đào tạo trẻ tại lớp năng khiếu bóng chuyền Long An và Huỳnh Kim Anh Thư là trợ lý của HLV Lương Khương Thượng tại lớp năng khiếu Bình Điền ở Thủ Đức. Nhiều người theo chồng bỏ cuộc chơi, nhưng cũng có người bạc mệnh đã qua đời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét